Nếu là người thường xuyên mua hàng trên Facebook, bạn sẽ gật đầu đồng tình lia lịa với 3 điều sau. Còn nếu là chủ shop bán hàng trên Face, hãy ngưng làm 3 điều mà khách hàng ghét cay ghét đắng này!
“Giá inbox”, “inbox để được báo giá”,... chính là điều mà hầu hết khách hàng cảm thấy khó chịu, bực dọc và “ghét cay ghét đắng”. Lý do thì có rất nhiều, nhưng thường xuất phát từ 4 nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, khách hàng cảm thấy rất mất thời gian, rất phiền phức khi phải nhắn tin cho shop để được báo giá. Cuộc sống ngày càng bận rộn, ai cũng tất bật với công việc, cơm áo gạo tiền. Vì thế, không phải người nào cũng thong thả nhắn tin cho từng shop hỏi giá. Chưa kể, không phải lúc nào shop cũng trả lời ngay lập tức. Tâm lý chờ đợi khiến người mua cảm thấy khó chịu. Thay vì đọc quảng cáo và biết được giá ngay, họ lại phải chờ đợi rồi hồi hộp không biết giá đắt hay rẻ. Cuộc sống đã quá áp lực rồi, ngay cả việc mua hàng trên Facebook mà cũng áp lực như vậy khiến người mua không mấy tha thiết khi gặp “giá inbox”.
Thứ hai, khách hàng cho rằng shop “chảnh”, không cần khách khi không công khai giá. Việc “giấu giá” của các shop bán hàng khiến người mua cảm thấy mình phải “hạ mình” xuống để hỏi giá. Với những vị khách khó tính, họ chẳng thà bỏ lỡ sản phẩm yêu thích còn hơn là phải “chầu chực” đi xin giá của các shop.
Thứ ba, sở sĩ khách hàng ghét các shop bán đồ không để giá là vì họ thiếu cơ sở để so sánh với các shop khác. Sự cạnh tranh trên nền tảng mạng xã hội Facebook cho phép người dùng mua một món hàng ở rất nhiều nơi. Trừ khi sản phẩm của bạn độc quyền. Còn lại, khách dễ dàng mua được ở bất kỳ shop nào. Ngày nay, người dùng tiêu tiền thông minh hơn, sẽ tìm địa chỉ bán rẻ hơn để mua. Do đó, nếu bạn giấu giá, họ không có cơ sở so sánh với các shop khác để biết đắt hơn hay rẻ hơn.
Thứ tư, điều này vô tình mang lại cảm giác “xấu hổ” cho khách khi họ hỏi giá mà không mua. Trên các diễn đàn mạng xã hội, người dùng cho rằng việc hỏi giá xong nhưng giá sản phẩm quá cao so với khả năng của họ khiến họ cảm thấy xấu hổ vì không đủ hoặc chưa đủ tiền để mua. Lúc này, việc các shop liên tục xin thông tin, địa chỉ hoặc tư vấn nhiệt tình làm cho người mua có cảm giác áp lực hơn. Vì thế, khi bắt gặp một sản phẩm yêu thích nhưng không để giá, người dùng chọn lướt qua chứ không inbox nhằm tránh tình trạng hỏi xong không đủ tiền mua.
Nhiều shop biết khách hàng ghét phải inbox hỏi giá nên đã khéo léo để giá theo kiểu 1xx hoặc 2xx. Tuy nhiên với khách hàng khó tính, điều này cũng không làm họ hài lòng. Bởi khách cũng phải inbox để biết chính xác giá tiền. Chưa kể, xx được shop báo là “tiểu học” nhưng khi báo trong inbox lên đến “đại học” hoặc thậm giá “tiến sĩ”, “giáo sư”.
Điều thứ hai mà nhiều khách hàng cảm thấy bực bội, khó chịu khi mua hàng trên Facebook là hình ảnh sản phẩm quá “ảo” so với thực tế. Đặc biệt là ngành hàng thời trang, giày dép. Trong các diễn đàn trên Facebook, rất nhiều trường hợp khách hàng “dở khóc dở cười” khi hình ảnh shop đăng tải một đằng, còn hình ảnh thực tế nhận về một nẻo.
Ai cũng biết ảnh quảng cáo được chụp chuyên nghiệp, được người mẫu diện thì lúc nào cũng đẹp, cũng long lanh. Nhưng nếu hình ảnh khác biệt như “thiên nga” với “vịt trời” thì khó lòng chấp nhận. Người mua có thể thông cảm nếu màu sắc sáng, tối hơn đôi chút so với ảnh chụp. Nhưng nếu chất liệu, kiểu dáng cũng khác hoàn toàn thì chẳng khác gì lừa dối.
Chưa kể nhiều shop bán hàng còn sử dụng hình ảnh người mẫu của Taobao để chạy quảng cáo, bất kể hình ảnh sản phẩm thực tế quá khác biệt về màu sắc, chất liệu, phom dáng. Điều này chẳng khác gì “lừa dối” khách hàng kiểu treo đầu dê, bán thịt chó. Nếu xui xẻo mua một lần, khách sẽ không bao giờ mua lại, thậm chí còn rêu rao shop bạn làm ăn không uy tín.
Hình ảnh sản phẩm chính là yếu tố đầu tiên thu hút khách hàng dừng lại ở mẫu quảng cáo, kích thích sự ham muốn sở hữu sản phẩm. Nhìn thấy một sản phẩm đẹp, họ sẽ hình dung rằng mình sẽ đẹp tương tự như vậy khi sử dụng. Vì thế, nếu món hàng nhận được khác xa với ảnh quảng cáo, khách hàng sẽ rất thất vọng. Người dễ tính có thể bỏ qua, không mua lại. Người khó tính hơn sẽ đánh giá 1 sao trên Fanpage kèm những bình luận chẳng mấy tích cực.
So với việc giấu giá hay hình ảnh quá ảo thì việc các shop seeding lộ liễu cũng khiến khách hàng khó chịu. Đã bán hàng trên Facebook thì ít nhiều các shop cũng có vài nick ảo để seeding khen ngợi sản phẩm mình bán. Tuy nhiên, khách hàng ngày một tinh ý hơn và nhanh chóng nhận ra “chiêu bài” này của shop.
Việc khen lấy khen để về chất lượng sản phẩm, chính sách giao hàng hay dịch vụ chăm sóc khiến người mua “cảnh giác”. Đặc biệt là những vị khách thường xuyên mua hàng trên Face. Họ không dễ bị qua mặt bởi những bình luận khen sản phẩm dịch vụ. Thậm chí còn cảm thấy e ngại và thiếu sự tin tưởng.
Đồng ý rằng ai mua hàng cũng tìm hiểu những đánh giá của khách mua trước để có cái nhìn cụ thể hơn. Nhưng nếu biết được những đánh giá này đều do chủ shop “tự biên tự diễn" thì người mua sẽ mất niềm tin và có thể lựa chọn không mua sản phẩm, dịch vụ đó.
Trên đây là 3 điều mà người mua hàng trên Facebook cảm thấy khó chịu nhất. Với tâm thế là người bỏ tiền ra để sở hữu một sản phẩm, người mua có quyền bày tỏ sự bực dọc của mình với cách thức kinh doanh của các shop online. Hy vọng rằng ở vị thế người mua, bạn sẽ thấy được giải tỏa cảm xúc khó chịu của mình. Còn nếu ở vị thế của người bán, mong rằng bạn sẽ có giải pháp phù hợp để làm hài lòng khách hàng mà không ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Tham khảo: Chọn agency không phải tốt nhất hay rẻ nhất, phù hợp nhất mới là điều cốt yếu
Vì sao bạn cần 1 người tư vấn chứ không phải một nhân viên bán hàng?
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN