Có lẽ chúng ta đều biết nước Mỹ đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử khi phải chiến đấu chống lại dịch Covid-19 đồng thời đối mặt với những diễn biến gay gắt từ phong trào BlackLivesMatter sau cái chết của George Floyd. Và chính xác đây cũng là nguồn cơn dẫn đến phong trào tẩy chay Facebook đang sôi sục mấy ngày qua.
Cụ thể, nhiều cáo buộc cho rằng giữa căng thẳng từ BlackLivesMatter, Facebook vẫn giữ những bài viết kích động thù hằn, phân biệt chủng tộc tồn tại ngang nhiên. Cả khi nhiều đề nghị Facebook cần kiểm soát chặt chẽ thêm công tác duyệt nội dung/ ngôn từ, Mark Zuckerberg vẫn chẳng mảy may phản hồi.
Sự im lặng này đã khiến những tổ chức lớn như NAACP, Color of Change hay Anti-Defamation League nổi giận và ngay lập tức dấy lên phong trào #StopHateforProfit chủ yếu nhằm kêu gọi các công ty và tập đoàn lớn đang đổ tiền quảng cáo sản phẩm của họ trên Facebook tẩy chay MXH này bằng cách ngừng quảng cáo.
Ngay từ khi phát động, phong trào này đã nhận được những hưởng ứng mạnh mẽ trong đó là “nhà tiên phong” The North Face với quyết định dừng chạy bài quảng cáo trên cả Facebook lẫn Instagram vào hôm thứ 6 ngày 19/6. Tiếp đến là Patagonia, với tuyên bố trên Twitter: “Facebook đã thất bại trong việc có những bước đi cần thiết để ngăn chặn những thông tin dối trá mang tính thù hận trên nền tảng này.”
Vài ngày sau đó, REI - một thương hiệu thời trang khác cũng cũng tuyên bố “cạch mặt” Facebook trong tháng 7, rồi đến ứng dụng quản lý sức khỏe tâm thần Talkspace, công ty phát triển phần mềm Braze và công ty thanh toán Fons.
Chưa dừng lại ở đó, thứ 2 vừa rồi, “ông trùm” hãng kem Ben & Jerry cũng quyết định tham gia phong trào này, tiếp đến là nhà mạng Verizon, “nữ hoàng” hàng tiêu dùng tập đoàn Unilever cũng tuyên bố sẽ ngừng quảng cáo trên cả Facebook lẫn Twitter đến tận cuối năm 2020.
Bùng nổ hơn là “trùm cuối” Coca Cola cũng lên tiếng cho biết sẽ ngừng đổ vốn cho quảng cáo trên tất cả các mạng xã hội trong vòng 30 ngày để “cân nhắc lại tiêu chí quảng cáo, qua đó xem xét lại những điều cần sửa.” James Quincey, CEO Coca-Cola trả lời phỏng vấn Adweek: “Không có chỗ cho phân biệt chủng tộc trên thế giới, và càng không có chỗ cho nó trên mạng xã hội,” công ty này kỳ vọng “các đối tác mạng xã hội sẽ có trách nhiệm và mức độ minh bạch cao hơn.”
Ngoài ra còn có Honda chi nhánh Bắc Mỹ, hãng sản xuất kẹo chocolate Hershey Co cũng tuyên bố tạm ngưng quảng cáo Facebook đến hết tháng 7 và hàng trăm tên tuổi quen thuộc khác như Eddie Bauer, Arc’terix, hãng phim Magnolia Pictures, nền tảng làm việc freelance Upwork, công ty phần mềm Limeade, Levi’s Sleeping Giants, Lululemon… cùng hưởng ứng.
Dĩ nhiên, #StopHateforProfit đã “đánh” cho Facebook một cú lao đao khi bản tin mới nhất ngày 27/6 từ tờ Newsweek đưa tin “trên thị trường chứng khoán, Facebook mất 56 tỷ USD giá trị vốn hóa sau khi những đối tác lớn về quảng cáo tạm ngưng sử dụng dịch vụ. Giá cổ phiếu của MXH này trên thị trường chứng khoán giảm 8,3%, dự kiến thứ 2 khi thị trường chứng khoán mở lại, một cổ phiếu của Facebook sẽ có giá 212.5 USD, vào hôm thứ 5 vừa rồi giá trị một cổ phiếu của Facebook là 235 USD.”
Tờ Adweek và eMarketer nhận định, Facebook nắm giữ thị phần digital marketing lớn thứ nhì thế giới bởi lợi thế về chi phí rẻ và dễ dàng tiếp cận đúng đối tượng tiềm năng. Thế nhưng phong trào này hoàn toàn có khả năng khiến Facebook nhìn lại chính sách quản lý ngôn từ của họ. Song song đó, phong trào phản đối Facebook từ các công ty lớn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của họ sẽ khác với việc chỉ vài nhóm người bỏ dùng Facebook, gỡ app khỏi điện thoại.
Giữa căng thẳng, Carolyn Everson, phó chủ tịch thương mại toàn cầu của Facebook cho hay, chỉ có “một số ít” trong tổng số 8 triệu đơn vị quảng cáo trên Facebook đang tẩy chay họ. Tuy vậy, Facebook khẳng định tôn trọng quyết định của các thương hiệu lớn, và vẫn sẽ “tập trung gỡ bỏ những từ ngữ phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội”.
Nhìn chung, phong trào tẩy chay Facebook này có phần khá giống chiến dịch tẩy chay Youtube năm 2017 khi những thương hiệu lớn cũng tỏ ra lo ngại với việc sản phẩm của họ được chèn quảng cáo vào những video với nội dung phân biệt chủng tộc. Chiến dịch đối với Youtube cũng mang lại nhiều thay đổi tích cực trong công cuộc kiểm soát nội dung.
Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như vậy đối với Facebook, chúng ta đều biết, MXH này đứng đầu là một vị CEO toàn quyền quyết định, kiểm soát được toàn bộ công ty mà không dễ có một cổ đông đủ mạnh để “lật đổ” và dĩ nhiên phong trào này có thể không tạo ra được những thay đổi cần thiết, khi không đánh được vào điểm yếu của Zuckerberg.
“Disney không làm được như thế, thậm chí Apple cũng chẳng làm được như thế. Họ có ủy ban điều hành nhất cử nhất động của công ty. Nếu Facebook là một công ty được một ủy ban điều hành, họ sẽ phải phản ứng lại, vì khi ấy ban quản trị sẽ đe dọa sa thải CEO để bảo vệ doanh thu. Facebook không có chuyện đó xảy ra.” - Laura Martin, nhà phân tích thị trường của Needham & Co. chia sẻ.
Facebook có thể không dám lờ đi những sự phản đối và tẩy chay từ chính những đơn vị đem tiền về cho họ, nhưng Zuckerberg thì hoàn toàn có thể. Bằng chứng là, tuần trước, Facebook đã có một cuộc trao đổi với các nhà quảng cáo, và bản thân Mark Zuckerberg cũng tuyên bố chính thức rằng họ hứa sẽ cấm những quảng cáo mang ngôn từ kích thích thù hằn chủng tộc, và quản lý sát sao hơn từ ngữ của các chính trị gia. Nhưng Zuckerberg, trong tuyên bố dài 11 phút đồng hồ, lại không đề cập một chút gì đến phong trào tẩy chay Facebook của những thương hiệu lớn đang diễn ra.
Cũng trong ngày 27/6, Bloomberg cho biết Mark Zuckerberg mất 7 tỷ USD tài sản khi giá cổ phiếu của Facebook giảm 8,3% do ảnh hưởng từ phong trào trên. Tổng tài sản của Zuckerberg tính đến thời điểm thứ 6 tuần trước là 82.3 tỷ USD, khiến cho vị CEO của Facebook tụt xuống hạng 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index.
Mặc dù con số khủng “tiền rơi khỏi túi” của Facebook và CEO Mark Zuckerberg đang ngày một lớn hơn nhưng tác động của phong trào #StopHateforProfit vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi bởi số lượng thương hiệu tham gia so với mặt bằng chung còn ít, cộng với diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19 trên nước Mỹ. Sẽ phải chờ tới tận quý III, khi Facebook công bố báo cáo tài chính, thì các nhà phân tích mới có thể cho chúng ta những kết luận chính xác nhất về phong trào này được.
Nguồn : tinhte.vn (đã được biên tập lại)
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN