Mặc dù nội dung quảng cáo đã và vẫn đang là một phần cốt lõi quyết định sức hút của các chiến dịch Marketing và xây dựng thương hiệu. Thế nhưng chỉ vài năm đổ về đây, khi công nghệ 4.0 bắt đầu chiếm lĩnh thị trường thì Content Marketing mới có được những định nghĩa rõ ràng và khẳng định vị trí. Nói về Content Marketing trong thời đại mới, Content marketing trong kỷ nguyên 4.0 của Alexander Jutkowitz là một quyển sách dành cho những người đang tìm hiểu về nội dung tiếp thị, một quyển sách chỉ dẫn tuyệt vời để bạn tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và kể nó thật thuyết phục trong thời đại này.
Đôi nét về Alexander Jutkowitz - CEO của GROUP SJR và Truffle Pig đồng thời cũng là CEO của Hill - Knowltan Strategies, Hoa Kì. Xuất thân là một chính trị gia, kiến trúc sư và hoạt động chính ở mảng khởi tạo chiến lược phát triển thương hiệu và sáng tạo nội dung quảng cáo tại hơn 30 quốc gia. Alexander Jutkowitz có một niềm tin mãnh liệt về khả năng chinh phục khách hàng của những câu truyện thương hiệu mới mẻ chứa đựng thông điệp lan truyền cảm hứng, chính vì vậy, ông không ngừng tìm tòi để chứng minh điều đó.
Bằng rất nhiều các diễn giải chi tiết về tầm quan trọng của các câu chuyện trong chiến lược xây dựng thương hiệu, Alexander Jutkowitz cho ra đời tác phẩm Content Marketing Trong Kỷ Nguyên 4.0. Với hai yếu tố chính là “content marketing” và “kỷ nguyên 4.0”, nội dung chính của quyển sách không chỉ dừng lại ở cách làm thế nào để xây dựng nên những câu chuyện mà còn đặt những chỉ dẫn chi tiết trong bối cảnh của thời đại công nghệ.
Nhiệm vụ chính của dữ liệu là cung cấp thông tin cho chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta dành đủ sự chú ý đến chúng và niềm cảm hứng đủ để duy trì sự chú ý đó. Cảm xúc và lý trí của con người chỉ có thể tác động được bằng trí tuệ, sự kinh ngạc và niềm vui, đây là những yếu tố có khả năng lay động cao và câu chuyện là một công cụ đáng tin cậy để truyền tải.
Trí tuệ được chắt lọc từ những điều hữu ích. Trong một thế giới phát triển nhanh chóng không ngừng, việc liên tục cung cấp nguồn thông tin thực sự hữu ích là một cách chắc chắn để phân biệt bản thân và nâng cao giá trị của bạn. Khao khát khám phá những điều mới mẻ là bản năng chính của loài người, những điều mang tính chất bí mật luôn có một sức hút mãnh liệt, chúng ta yêu thích những nút thắt vì việc “gỡ” sẽ đem lại bất ngờ và niềm vui, chỉ khi phải suy đoán điều sắp xảy ra, chúng ta mới cảm thấy thú vị. Chính vì lẽ đó mà công thức của một nội dung tốt, đặc biệt là những câu chuyện được pha trộn giữa sự kỳ bí và tính khoa học. Những câu chuyện này sẽ dẫn dắt sự chú ý và mở rộng tâm trí của chúng ta để thu nhận thêm những ý tưởng mới mẻ.
“Để được yêu thích, một quảng cáo chỉ cần có cấu trúc như sau: phần mở đầu, phần thân và phần kết, với một vài sự đối lập và điểm nhấn trong đó.”
Làm sao để những câu chuyện dù đơn giản nhất vẫn có được sức hút đáng kể chính là điều mà truyền thông theo đuổi. Mấu chốt nằm ở: “Những câu chuyện khơi gợi cảm xúc, sợ hãi, tức giận, xúc động hay ấm áp, khiến chúng ta đồng cảm và tin tưởng hơn. Những câu chuyện khiến thông tin trở thành một thứ mang tính cá nhân bởi người nghe được sống trong thế giới của các nhân vật, nơi họ đóng góp cảm xúc và trí tưởng tượng của mình.”
Đối với những cá nhân hay tổ chức đang trên đường xây dựng thương hiệu, có một điều quan trọng cần ghi nhớ: Hãy kể câu chuyện bạn muốn cộng đồng lắng nghe, trước khi cộng đồng “nhặt” những mảnh vụn thông tin và dựng lên câu chuyện của bạn theo cách của họ. Hãy nhớ rằng con người luôn tạo ra những câu chuyện về mọi thứ xung quanh họ một cách vô thức nên việc chủ động xây dựng một câu chuyện cốt lõi về thương hiệu là rất quan trọng.
“Ngay cả trong một môi trường quá tải phương tiện truyền thông của chúng ta hiện nay, sẽ luôn có chỗ đứng cho một câu chuyện hay.”
Sự “lan tỏa” kết hợp trên nhiều nền tảng công nghệ, đi cùng với sự phản hồi ngay lập tức của cộng đồng trong thời đại kỷ nguyên số làm cho Content Marketing trong có vẻ mới mẻ, thực chất, nội dung marketing đã được thực hành trong thời kỳ hoàng kim của quảng cáo, với những huyền thoại như Bill Bernbach và David Ogilvy. Các cuốn sách của Ogilvy về quảng cáo tràn ngập các ví dụ cân bằng giữa niềm vui và sự khôn ngoan đủ để thuyết phục độc giả. Như vậy, content marketing trong kỷ nguyên 4.0 là những điều cũ kỹ đang trở nên mới mẻ.
Xem thử: 6 cách soạn Content Marketing đến người không giỏi viết cũng viết giỏi
Thời đại của người tiêu dùng có học thức
“Điều quan trọng nhất đối với các nhân viên tiếp thị nội dung là sự thật này: Lý do hàng đầu khiến mọi người đọc bất kỳ nội dung gì, ở mọi thể loại, dưới bất kỳ hình thức nào đều là để nghiên cứu một chủ đề cụ thể mà họ quan tâm.”
Đi ngược lại với những nhận định đương thời rằng con người đang dần rời rạc và không thể tiếp thu những nội dung dài, Alexander Jutkowitz cho rằng hơn bất kì thời điểm nào, ngay chính kỷ nguyên này, con người đang đọc nhiều hơn bao giờ hết. Mạng xã hội là nơi dễ nhất để tiếp cận thông tin và những câu chuyện được chia sẻ nhiều nhất trên các trang tin tức lớn ngày nay có xu hướng hoặc là rất ngắn, hoặc là dài hơn rất nhiều, người ta có xu hướng muốn tạo nên một dòng tin chớp nhoáng dễ vào đầu hoặc không là một bài nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng hãy nhớ rằng, truyền thông phát triển tự do và con người có thể thoải mái đọc những gì họ muốn, lợi thế sẽ đến với những người cố gắng nâng tầm và chau chuốt cuộc trò chuyện, chứ không dành cho những người câm lặng.
“Nếu một câu chuyện không nói về thính giả thì họ sẽ không bao giờ lắng nghe bạn. Và từ đó tôi đã đúc kết ra một điều - một câu chuyện thú vị và thu hút là một câu chuyện kể về tất cả mọi người, nếu không câu chuyện đó sẽ không bao giờ có tầm ảnh hưởng lâu dài.”
Vì vậy, Alexander đưa ra các nguyên tắc sau đây để hướng dẫn bạn kể những câu chuyện về con người nhiều hơn:
”Bước đầu tiên để trở nên có tính người hơn trong những nỗ lực về marketing và truyền thông chiến lược là khi nhận ra chúng ta đã đưa ra các giả định vô bổ về khách hàng của mình.”
Định kiến bảo thủ trong truyền thống có thể khiến chúng ta không hiểu đủ về khách hàng để thu hút họ. Chính vì vậy, nếu bạn đang phân loại khách hàng dựa trên những suy nghĩ chủ quan, nhất là về độ tuổi và vị trí, xin hãy dừng lại.
“Ngày nay, tất cả các trang web đều sử dụng các hệ thống đề xuất với các thuật toán phức tạp để dự tính những điều chúng ta sẽ mong muốn, trong hầu hết trường hợp là trước cả khi bản thân chúng ta biết mình muốn gì. Sự cá nhân hóa cho phép chúng ta vừa cung cấp những trải nghiệm có giá trị của mình, vừa tìm hiểu về họ, và phần lớn người dùng cảm thấy thoải mái khi cung cấp thông tin cá nhân của mình để đổi lấy trải nghiệm cá nhân hóa cao. Sự cá nhân hóa cũng rất quan trọng trong thị trường B2B (Business to Business).”
“Tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trọng tâm này khó hơn bao giờ hết: làm thế nào để phân phối nội dung của bạn một khi nó đã được hình thành? Và nên nắm những loại nội dung khôn ngoan nào trong tay?”
Giữa thời đại của người tiêu dùng trí tuệ, việc một vấn đề có đến hàng trăm giải pháp là điều bình thường và mỗi giải pháp đều có những cách tiếp cận đối tượng phù hợp riêng. Chính vì vậy việc có quá nhiều vấn đề cần giải quyết thực ra không đáng lo bằng việc liệu bạn có theo kịp sự đa dạng của các giải pháp hay không. Điều này đòi hỏi bạn cần phải có sự linh hoạt nhất định khả năng xoay chuyển nhanh chóng ngay cả khi mọi thứ đã chắc chắn. Chẳng hạn như, vào thời điểm bạn tìm ra cách chính xác để đánh lừa thuật toán của Twitter hoặc Google, lúc đó họ đã thay đổi nó rồi.
Việc tạo ra nội dung - tốc độ để tạo ra nội dung, độ dài như thế nào và tạo nội dung cho nền tảng nào - ảnh hưởng đến nội dung bạn tạo ra và ngược lại. Dưới sự biến hóa không ngừng của thời đại 4.0 thì các vấn đề phân phối sẽ không bao giờ được giải quyết mà thay vào đó, hãy học cách sẳn sàng ứng phó với nó. Đó là lý do tại sao Alexander gọi phần này là “Giải pháp cho các nhà phân phối” chứ không phải “Lời giải từ nhà phân phối”, với các nguyên tắc: phân tách thành mục nhỏ, chuỗi nội dung, sức hấp dẫn và duy trì sự linh hoạt.
“Khi nhìn dưới quan điểm của cả một tổ chức, sáng tạo, về cơ bản, đã trở thành vấn đề giữa cung và cầu, giống như nhu cầu cần nguyên liệu thô để sản xuất hàng hóa trong nhà máy vậy.”
Việc thế giới phát triển nhanh và liên kết hơn sinh ra một nghịch lý giữa việc cung - cầu sự sáng tạo mà ở đó, chúng ta liên tục bị phân tâm bởi những luồng thông tin mới mẻ, công nghệ cho phép chúng ta biết nhiều hơn, nhanh hơn, những đồng thời khiến cho việc tập trung vào những ý tưởng hay nhất và đưa ra những sáng tạo độc đáo trở nên khó khăn hơn. Làm thế nào để các công ty xây dựng được một văn hóa sáng tạo hoàn thiện? Alexander sẽ đưa ra một vài bước để bắt đầu.
Trong phần này, Alexander sẽ đưa ra các chỉ dẫn để xây dựng và phân phối nội dung trên các nền tảng, với sự ảnh hưởng của công nghệ. Một số bài học được rút ra từ chương này như sau:
Tư duy bất đối xứng có nghĩa là việc biến những đặc tính quá khó khăn của vấn đề trở thành lợi thế của bản thân. Ví dụ như trong chiến tranh Việt Nam, chiến tranh du kích chính là một trong những dạng chiến tranh bất đối xứng lâu đời nhất mà người Việt Nam chúng ta áp dụng. Đó là lần đầu tiên một đội quân tinh nhuệ được trang bị công nghệ vượt trội hơn hẳn đối thủ bị đánh bại, bằng việc triển khai những kế hoạch dựa trên sự thân thuộc địa hình và nắm rõ quân lực, chiến thuật bất đối xứng.
Trong kinh doanh cũng vậy, sẽ không có vấn đề nào là quá lớn nếu được giải quyết theo hướng sáng tạo, bất đối xứng.
Cuốn sách Content marketing trong kỷ nguyên 4.0 là một cuốn sách dành cho những ai đang muốn quảng bá thương hiệu của mình. Với những chỉ dẫn chi tiết đến từ những kiến thức và kinh nghiệm của mình, Alexander sẽ giúp bạn đọc sẽ tìm thấy cách xây dựng và phát triển nội dung marketing trong thời đại 4.0 này để trở thành một nhà kể chuyện đại tài có tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục dẫn dắt công ty đi lên.
Tác giả: Khánh Huyền
Nguồn: Bookademy
Tham khảo thêm: 6 nhân tố viết content “đi vào lòng người”
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN