Dù là hiện đại hay truyền thống, các chiến dịch Marketing vẫn luôn được gắn với những nghiên cứu, bảng thống kê số liệu quan trọng về hành vi, sở thích của khách hàng. Chính vì vậy mà nghiên cứu trong Marketing, hay còn gọi là Market Research được chia thành hai nhánh chính bao gồm: Nghiên cứu định tính (Qualitative) và Nghiên cứu định lượng (Quantitative).
Hai nhóm nghiên cứu này cũng là một trong những khái niệm dễ bị lầm lẫn và khó phân biệt đối với những “newbie” trong ngành. Vậy đâu là cách phân biệt hữu hiệu Nghiên cứu định tính (Qualitative) và Nghiên cứu định lượng (Quantitative)?
Hai khái niệm này có thể hiểu nôm na như sau: Những khảo sát thường thấy ở các nhóm học sinh/ sinh viên/ tổ chức/ cá nhân nào đó về một vấn đề bất kì được gọi là Nghiên cứu định lượng. Còn những cuộc phỏng vấn, đặt câu hỏi chuyên sâu từ một doanh nghiệp/ nhãn hàng nào đó thì được gọi là Nghiên cứu định tính.
Dĩ nhiên để hiểu và phân biệt rõ về hai khái niệm này chúng ta cần phải xem xét nhiều hơn một khía cạnh. Và dưới đây là 4 yếu tố chính cần nắm để nhìn nhận rõ ràng về Nghiên cứu định tính (Qualitative) và Nghiên cứu định lượng (Quantitative).
Nghiên cứu định tính thường được triển khai nhằm tìm và đọc ra insights khách hàng, chính vì vậy nó không cần số lượng mẫu quá lớn, chỉ từ vài đến vài chục đối tượng chọn lọc cho một khảo sát. Ngược lại, Nghiên cứu định lượng cần đưa ra những bảng báo cáo, thống kê với số liệu chính xác hơn thành ra Nghiên cứu định lượng chỉ thực hiện được khi số lượng mẫu phủ rộng từ vài chục đến vài trăm thậm chí là vài triệu người.
Nghiên cứu định lượng thường phổ biến dưới dạng bảng câu hỏi khảo sát có đáp án cụ thể, người tham gia khảo sát chỉ cần tick vào câu trả lời phù hợp. Bạn có thấy quen thuộc với những mẫu khảo sát về chất lượng đề thi từ một nhóm sinh viên nào đó, hoặc những câu hỏi "Bạn đang xem quảng cáo của nhãn hàng nào" trên YouTube? Đó chính là Nghiên cứu định lượng.
Nghiên cứu định tính thì phức tạp hơn như thế, người tham gia Nghiên cứu định tính thường phải trả lời những câu hỏi dưới dạng câu hỏi mở với nội dung được sắp xếp và lên dàn ý, kịch bản từ đầu.
Sự khác biệt về hình thức đòi hỏi phải có từng nghiên cứu viên riêng biệt cho mỗi dạng nghiên cứu. Nếu Nghiên cứu định tính cần những người dẫn dắt am hiểu tâm lý con người để có thể đào sâu, phân tích insights khách hàng thì Nghiên cứu định lượng chỉ cần một người hiểu rõ câu hỏi và đọc rõ ràng để đáp viên trả lời.
Cuối cùng, yếu tố chính để phân biệt rõ hai dạng nghiên cứu này chính là mục đích nó hướng tới. Như đã nói trên, Nghiên cứu định tính được triển khai nhằm đào sâu tâm lý, khai phá hành vi người tiêu dùng nên bảng câu hỏi của nghiên cứu định tính thường chứa các câu hỏi như: “Tại sao khách hàng lại lựa chọn như vậy?” “Dựa vào đâu họ có lựa chọn như thế?”...
Còn Nghiên cứu định lượng đòi hỏi những bản kết quả với số liệu, biểu đồ rõ ràng nhằm làm căn cứ giúp doanh nghiệp xác định lại số lượng người lựa chọn từng xu hướng, từ đó đưa ra được phương pháp kinh doanh phù hợp.
Trên đây là các yếu tố chính để phân biệt Nghiên cứu định tính (Qualitative) và Nghiên cứu định lượng (Quantitative). Nhìn chung, để có được những kết quả kinh doanh mỹ mãn, một doanh nghiệp nên có sự kết hợp khéo léo giữa hai dạng nghiên cứu này bởi nó có thể bổ trợ hiệu quả cho nhau. Tuy nhiên điều này phụ thuộc rất nhiều vào quy mô và ngân sách của doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công!
Theo: Brandcamp.asia
Tham khảo thêm: Quảng cáo KPI và Quảng cáo Performance có gì khác nhau ?
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN