Là một trong 4 vị tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản lên đến gần 90 tỷ USD, Warren Buffet không những được biết đến như là nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, ông còn nổi tiếng với sự uyên bác, những “bí kíp làm giàu” độc đáo và những chia sẻ thú vị vượt ra ngoài giới hạn của lĩnh vực kinh doanh.
Điển hình nhất có thể kể đến đó là lời khuyên đặc biệt ông dành tặng cho ngành Nhân sự, theo đó, Warren Buffet cho rằng bất cứ tổ chức nào mong muốn tuyển dụng được một nhân viên xuất sắc đều cần dựa trên 3 tiêu chí sau: "Bạn phải tuyển người dựa trên 3 tiêu chí. Đó là trí thông minh, sự năng nổ trong công việc và sự chính trực. Nếu ứng viên không có điều cuối thì 2 điều đầu rồi sẽ giết chết bạn, vì nếu nhân viên của bạn không chính trực, điều bạn nhận được thực chất chỉ là sự lười biếng và ngu ngốc mà thôi".
Với kinh nghiệm tuyển dụng hàng chục năm, gặp gỡ vô số ứng viên, Warren Buffet nói thêm rằng, “Mọi người đều sinh ra với trí thông minh và sự năng nổ cần thiết được định trước rồi, nhưng sự chính trực thì lại không như thế. Bạn không sinh ra với nó và cũng khó có thể học nó ở trường. Thế nhưng, chính nó lại quyết định phần lớn tương lai của mọi người.”
Dẫu vậy, chúng ta cũng thừa biết rằng “tri nhân, tri diện bất tri tâm”- Liệu có cách nào để “nhìn thấu”, cân đo đong đếm sự chính trực trong một con người? Chỉ với vài chục phút gặp gỡ, trao đổi khi phỏng vấn chắc chắn sẽ không có cách nào để bạn nhận biết người chính trực. Chính vì vậy, nhà tuyển dụng cần cần xem xét, đánh giá cũng như quan sát các ứng viên, các nhân sự mới trong thời gian thử việc ở các điểm sau:
Đầu tiên, hãy quan sát cách họ đối xử với những người xung quanh, hãy nhớ rằng, người chính trực sẽ luôn cư xử tôn trọng với mọi người mà không có bất kì sự phân biệt quyền hạn hay cấp độ nào. Người chính trực không “trọng giàu, khinh nghèo”, cũng sẽ không vì bạn ở cấp cao hơn mà nịnh bợ, o bế. Thế nên, họ cũng là những cá nhân dễ dàng chấp nhận sự thay đổi của tổ chức nếu hợp lý mà không bị tác động bởi bất cứ "nhóm lợi ích" nào.
Xem thử: Từ câu chuyện Lưu Bình và Dương Lễ, chọn ai làm bạn khi khởi nghiệp
Tiếp đến, hãy để ý những “lời hứa”. Người chính trực coi trọng lời nói, chính vì vậy họ luôn cam kết hoàn thành những điều đã nói, những việc đã nhận mà không hề có bất kì sự phàn nàn nào. Thế nhưng, đã là con người thì khó tránh khỏi việc mắc sai lầm, người chính trực cũng sẽ phạm lỗi, điều quan trọng là họ sẽ nhận lỗi và lắng nghe chứ không tìm cách thoái lui, đổ lỗi cho người khác hoặc trốn tránh.
Người chính trực, đặc biệt là những người lãnh đạo chính trực sẽ biết rõ quyền hạn và năng lực của mình. Họ sẽ không lợi dụng “quyền năng” của mình mà “độc chiếm hào quang” hay tranh giành quyền lợi. Người chính trực sẽ là một người dẫn lối tuyệt vời (leader) chứ không phải là một “ông chủ” (boss) hách dịch. Họ sẽ luôn trân trọng và dành lời khen cho từng đóng góp cũng như biết công nhận những nỗ lực đằng sau thành công của từng nhân viên, đồng nghiệp.
Thế giới vận hành bằng những cuộc tranh luận, sẽ khó có thể tìm thấy sự đồng thuận 100% trong một tập thể. Khi đó, thay vì phó thác một cách hậm hực hay quay lưng lại với những ý kiến trái chiều, người chính trực sẽ lắng nghe, trao đổi và cố gắng tìm ra hướng giải quyết vấn đề.
Không riêng gì môi trường công sở đầy thị phi, kể cả trong những ngành nghề khác, chúng ta vẫn thường có xu hướng che giấu đi cảm xúc thật của mình khi phải “chạm trán” với những rắc rối công việc hay “đồng nghiệp độc hại”, nói cách khác, chúng ta hay tạo cho mình một vỏ bọc. Người chính trực không như vậy, kể cả khi công việc khó khăn hay đồng nghiệp xấu tính, họ vẫn sẽ luôn xuất hiện và đối diện vấn đề bằng hình ảnh chân thật và tốt đẹp nhất.
Nguồn: Brandsvietnam.com
Tham khảo thêm: Vì sao nên yêu/lấy 1 chàng trai chuyên ngành kinh tế làm Marketing
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN