Khi một vấn đề, một cảm xúc nào đó đến với chúng ta, mà ta không chịu giải quyết, vấn đề đó, cảm xúc đó rồi sẽ lại đến, lặp đi lặp lại và với một mức độ cao hơn, cho đến khi nào mà bạn học được bài học từ nó thì nó mới thật sự dừng lại. Và 3 chữ ''CẢM'' dưới đây sẽ cho bạn thêm một góc nhìn mới về nội tâm con người.
Cảm xúc nói một cách dễ hiểu nhất là khi một vấn đề xảy đến, não cần 1/4 giây để nhận biết vấn đề và 1/4 giây tiếp theo sản xuất chất hóa học cảm xúc để hồi đáp diễn giải của bạn về vấn đề đó. Mỗi cảm xúc chỉ kéo dài vài giây.Khi mà bạn cho phép cảm xúc ''xâm nhập'' vào não nó sẽ thành cảm giác. Thông thường thì cảm giác được kết hợp từ nhiều cảm xúc và kéo dài hơn cảm xúc.Và tâm trạng sinh ra là kết quả của nhiều yếu tố: ngoại cảnh, thể chất, trạng thái tâm lý,... tâm trạng có thể kéo dài hàng giờ và hàng ngày.
Cảm xúc có 2 loại: tích cực và tiêu cực, tuy nhiên tốt hay xấu phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Nhưng nói một cách công bằng hơn, phải trải qua những lúc vui mới biết được nỗi buồn buồn như thế nào và phải trải qua những nỗi buồn tổn thương thì mới biết trân quý những thời khắc hạnh phúc.
Chúng ta luôn sống trong cộng đồng nên việc tiếp xúc, va chạm và nhận sự lan truyền cảm xúc là điều tất yếu. Những cảm xúc tích cực mình khoan nói đến, nhưng nếu mình nhận được cảm xúc tiêu cực thì phải làm sao?
- Bước 1: Nhận biết
Bước đầu tiên, hãy bình tĩnh điểm mặt chỉ tên cảm xúc đó, ví dụ như '' Tôi đang giận''.
Khi mà cảm xúc nào đó đi ngang, thay vì quay ra bên ngoài để dò xét, phê bình lên án hay buộc tội trừng phạt, mình hãy quay vào bên trong mình để nhận biết đó là sự sợ hãi, so đo toan tính, thành kiến đố kị hay là đang có một vết thương nào đó chi phối.
- Bước 2: Chấp nhận
Sau khi nhận biết cảm xúc đó rồi, mình hãy chấp nhận, cho phép cảm xúc đó được diễn ra. Đừng cố gắng ngăn chặn, đàn áp hay loại trừ nó, mình không làm nổi đâu, cảm xúc mà đang diễn ra giống như một thác nước vậy, mình mà nhào tới nó sẽ cuốn cả mình đi. Nên lúc này hãy lùi lại, quan sát nó diễn ra, xem xem là cơn giận này nó như thế nào, nó giận dữ đến đâu.
- Bước 3: Thẩm nghiệm
Lúc này mình hãy ngồi xuống, ngồi xuống hít thở và tĩnh lại, xem nguyên nhân gốc rễ của cảm xúc này là từ đâu? Mình đặt câu hỏi, ''Cơn giận này từ đâu ra?'', ''Tại sao mình lại giận?''. Là do mình không thích người này, việc này nên là họ nói gì làm gì mình cũng thấy giận? Là do người này khó chịu quá, mình chịu không nổi nữa? Hay là do mình đang có vấn đề?
Và kết quả đúng đắn của một cuộc thẩm nghiệm đó chính là thấy nguyên nhân là ở mình.
Nếu mà mình đang tràn trề năng lượng, thiết tha yêu đời yêu người, mặt mũi tươi rói, thì sức mấy câu nói đó mà làm mình gục ngã, sức mấy mà hành động đó làm mình phản ứng rầm rầm như vậy? Mình mà phản ứng như vậy là trước đó mình đã có vấn đề rồi, trái tim của mình đã yếu rồi. Như vậy thì nguyên nhân chính nó nằm ở mình chứ ở ai?
Một hình ảnh có thể giúp dễ dàng hình dung ra dung lượng trái tim của mình, đó là một tô nước và một dòng sông. Lúc mà mình đang có vấn đề, tức trái tim mình đang là một tô nước, người ta chỉ ném vào một nắm muối, có thể là nói năng không dễ thương hay đưa tới một ít năng lượng tiêu cực là nó đã mặn chát rồi, không uống được nữa. Nhưng nếu lúc đó trái tim mình là một dòng sông thì người ta có ném vài ba nắm muối thì có là gì, nước sông vẫn ngọt vẫn có thể uống được.
Mà cái thấy như vậy nó mới đáng quý, mình mới có thể thấy được nguyên nhân thật sự của những cảm xúc đó. Và bạn nhớ lưu ý, cái thấy đó không phải để buồn rầu, than thân trách phận mà thấy là để mình hiểu, mình xoa dịu và tìm cách để giải quyết vấn đề.
- Bước 4: Không đồng nhất
Sau đó mình tiếp tục lùi lại quan sát, mình là người xem phim còn cảm xúc là một cuốn phim. Mình tách ra khỏi cơn giận, thoát ra khỏi sự khống chế của cơn giận, lúc đó mình sẽ không nói ra những lời nóng giận, mình sẽ thấy bớt giận đi, mình bình tĩnh lại hoặc không giận nữa. Chừng nào mà còn thấy trách mình, trách người là mình vẫn chưa hoàn thành xong 1 hoặc cả 4 bước trên, hãy kiên nhẫn cho bản thân mình thời gian để luyện tập nhé.
Và bạn biết không, mỗi một cảm xúc đến đều là cơ hội để mình có thể hiểu bản thân mình hơn, mình mới biết được mình muốn gì, cần gì và phải làm gì.
Đặc điểm của những người có thấu cảm là ''Giao diện dịu dàng nhưng hệ điều hành mạnh mẽ''. Nói ra, tức là bề ngoài thì điềm đạm, bên trong thì nội tại vững vàng. Họ làm mình cảm thấy ấm áp, được trân trọng và lắng nghe, bạn đã bao giờ gặp được người như vậy hoặc bạn đã là người như vậy chưa?
Thấu cảm là sự hiểu, sự kết nối đối với người với việc xung quanh mình. Mình hiểu được thì mới có thể thương, và từ cái thương đó mình cảm được niềm vui nỗi đau của người khác, muốn san sẻ và giúp đỡ họ.
Câu trả lời đó chính là bẩm sinh, nhưng nếu chúng ta không phải là người được trời ưu ái cho tính cách này, chúng ta vẫn có thể luyện tập.
Cách đầu tiên, chủ động, mình đọc sách xem phim, ra ngoài học hỏi, gặp người mới, lắng nghe những câu chuyện của họ, quan sát để cảm những màu sắc cuộc sống để mình có cái nhìn đa chiều, rộng và sâu hơn.
Cách thứ hai, thụ động, tức là đụng chuyện rồi mới tính. Mình từng nghe một câu nói đại ý như thế này: ''Nếu con muốn hiểu một ai đó, con phải trải qua những gì họ đã trải, phải ăn những thứ họ từng ăn, nghe những bản nhạc họ đã nghe, mang đôi giày họ đã mang và rơi nước mắt với những điều mà họ đã rơi nước mắt thì con mới có thể thật sự hiểu họ.''
Nghĩa là bạn muốn hiểu một ai đó, bạn phải trải qua tất cả những gì họ đã trải, điều này dường như là bất khả thi nhưng chúng ta có một cách nhẹ nhàng hơn, đó chính là hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, nhìn bằng góc nhìn của họ và hành động đó chính là đại diện cho lòng tử tế.
Có một câu nói như thế này:
Mang than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi.
Bạn đừng hiểu nhầm rằng phải làm một điều vĩ đại, một chuyện đao to búa lớn thì nó mới là thấu cảm nhé. Đôi khi, chỉ cần một cái nắm tay dắt qua đường từ người lạ, nhường chỗ ngồi trên một chuyến xe, một cái ôm hay một câu nói ''Có mình ở bên cạnh bạn'' cũng gọi là thấu cảm. Có thể ở góc nhìn này nó là những chuyện quá đỗi bình thường không đáng bận tâm, nhưng ở một góc nhìn khác, biết đâu được đó là sự ấm áp đầu tiên mà người đó được nhận, mà làm sao bạn biết được sự ấm áp đó có ý nghĩa lớn như thế nào đối với họ. Với mình, đây chính là sự dịu dàng lớn nhất mà một người có thể cho một người khác.
Nếu chỉ thấy cái riêng, chỉ mò mẫm tuỳ tiện. Nếu chỉ thấy cái chung sẽ giáo điều, tả khuynh.
Ở phần 1 nói đến cảm xúc, phần 2 nói về thấu cảm, một hướng vào bên trong, một hướng ra bên ngoài. Nếu chỉ hướng vào bên trong, con người mình dễ sinh ra ích kỉ, áp đặt một cách máy móc suy nghĩ, cảm xúc của mình vào người khác. Nhưng nếu chỉ hướng ra bên ngoài, mình lại dễ '' yếu đuối'', quên đi các nhu cầu của bản thân và khó theo đuổi được mục tiêu riêng của mình.
Và sự cân bằng ở đây, không phải là so đo đong đếm mà là quan hệ bổ trợ, song hành phát triển với nhau. Vì thấu cảm nó không phải là chôn vùi cảm xúc của bản thân, và cảm xúc cũng là tiền đề cho thấu cảm, hiểu mình mới hiểu được người.
Đây là lời cảm ơn để thể hiện sự trân trọng, ví dụ bạn nhờ người khác lấy nước, khi người đó mang nước đến, bạn cảm ơn, đó là lịch sự. Nhưng lời cảm ơn nó còn một cấp độ cao hơn, đó chính là cảm ơn thật lòng với những điều bất như ý!
Cuộc sống của chúng ta giống như dây thừng vậy, ít nhất phải có 2 sợi. Vậy lấy ví dụ, sợi 1 là điều như ý, sợi 2 là điều không như ý. Ta quấn vòng đầu tiên là sợi như ý, vòng thứ 2 là điều không như ý, rồi lại tiếp tực vòng thứ 3 là như ý, rồi không như ý. Hai sợi này nó phải đan xen và liên tục, kéo dài ra như vậy thì nó mới thành dây thừng được.
Tương tự trong cuộc sống, mình vừa nhận được một điều như ý, vậy thì điều tiếp theo xảy đến chắc chắn là không như ý, rồi điều tiếp theo đến sẽ lại là như ý. Có ai vui mãi hoặc buồn mãi đâu? Cho nên điều như ý và bất như ý nó là điều rất bình thường của cuộc sống, nó phải như vậy thì mới là cuộc sống được.
Vậy nên, cảm xúc tiêu cực, khổ đau nó chỉ xảy ra khi mà mình bỏ thêm thái độ của mình vào điều bất như ý đó, nó là nóng giận, so đo hơn thua,... Nếu như bạn hiểu được điều bất như ý là chuyện rất bình thường, bạn sẽ không cường điệu nó lên mà thay vào đó bạn sẽ thực hành 4 bước chuyển hóa ở trên.
Khi mà bạn thực hành xong bốn bước chuyển hóa rồi, bạn sẽ rút ra được bài học cho mình,vấn đề của mình ở đây, mình cần điều chỉnh cải thiện cái này, chỉ khi bạn hiểu được giá trị thật sự của điều bất như ý, bạn mới có thể nói cảm ơn thật lòng được.
Và cả quá trình trên, để đi được đến bước ''cảm ơn'', nó chính là quá trình tu dưỡng. Đây cũng là lí do tại sao chữ cảm thứ 3 lại là Cảm ơn!
Mức độ trí tuệ cảm xúc cao nhất của một người chỉ gói gọn trong 3 chữ. Nghĩa của câu này chính là '' Nói ít thôi, lời ít mà ý nhiều''. Nhưng để làm sao có thể ''lời ích ý nhiều'' thì chúng ta cần phải rèn luyện 3 chữ ''CẢM'' này:
Cảm Mình > Cảm Người > Cảm Ơn
Và quá trình đồng điệu được 3 chữ cảm này, chính là quá trình tu dưỡng nội tâm của mỗi người. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài viết quá dài này của mình!
-----------
CC Brandsketer - 12.11.2022
Đọc thêm: Một góc TÂM LÝ HỌC HÀNH VI trong Marketing đương đại
* Brands sẽ xác nhận lịch tư vấn trên Google Meet/Zoom qua Zalo bạn đăng ký.
Thông tin ứng tuyển
ĐĂNG KÝ HOẶC ĐỂ LẠI LỜI NHẮN